Bài viết mới

BÁO CÁO NGÀNH

KINH ĐÔ VÀ KINH ĐÔ FOOD - 2 HIỂU LẦM "CHẾT NGƯỜI"

Sau khi mua lại nhà máy Kem Wall’s từ Unilever vào năm 2003, với tài năng của anh em Trần Gia, KIDO nhanh chóng đưa Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KDF) trở thành một thương hiệu kem dẫn đầu Việt Nam với 35% thị phần cả nước vào năm 2016, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh còn lại. Nhưng mới đây, chính KIDO đã quyết định IPO và đưa doanh nghiệp này lên sàn trong năm nay. Với danh tiếng từ công ty mẹ và tốc độ tăng trưởng thần tốc trong những năm qua, cổ phiếu KDF nhanh chóng thu hút được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư và dĩ nhiên tôi cũng không nằm ngoài số đó. Tôi thường không có thói quen nói nhiều về những cổ phiếu nằm ngoài danh mục đầu tư, tuy nhiên vấn đề KDF sẽ là ngoại lệ bởi trên thị trường đang có 2 hiểu lầm "chết người" về thương vụ niêm yết của KDF nên mạn phép đăng đàn.


Bán KDF sẽ giúp KIDO ghi nhận lợi nhuận đột biến như đã từng ghi nhận với mảng bánh kẹo

Sau đây là trích dẫn phát biểu của một bạn:" KDC cuối 2016 cp1 mua thêm 22 triệu cp KDF giá 10. Giờ KDC lại mang 11.2 triệu giá bán 52. Vậy thì LN hoạt động tài chính từ bán 11.2 triệu sẽ 470 tỷ và hạch toán trong quý 2/2017. Tiếp theo KDC sẽ thoai tiếp và chỉ giữ 65% KDF như vậy số Cp thoái tổng cộng sẽ là 19.6 triệu và mang về khoản LN tài chính 823 tỷ. Như vậy năm 2017 KDC tiếp tục là năm có kết quả kinh doanh đột biến".

Về sáng tạo và cần mẫn thì có lẽ bạn nào phát biểu câu này xứng đáng được học hỏi, tuy nhiên bạn này hổng một phân mục đã làm toàn bộ công sức đổ sông đổ bể. Thực tế từ sau khi TT 200 ra đời, việc công ty mẹ thoái vốn khỏi công ty con nhưng vẫn giữ nguyên kiềm kiểm soát (tức vẫn hợp nhất báo cáo tài chính) thì sẽ không có chuyện ghi nhận lợi nhuận từ đợt thoái vốn này, việc ghi nhận sẽ là tăng vốn chủ sở hữu (tăng khoản mục lợi nhuận giữ lại và thặng dư vốn cổ phần). Nghe thì vô lý, bán tài sản với giá cao hơn giá vốn thì phải ghi nhận lợi nhuận chứ? Tuy nhiên thực tế thì lại không hợp lý. 

Lý do là như sau: Đầu tiên cần phải hiểu sự khác nhau giữa báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất, số liệu trên cafef hay vietstock mà phần đông nhà đầu tư nhìn thấy đều là báo cáo tài chính hợp nhất. Đối với báo cáo tài chính hợp nhất, bản chất là khi anh đã kiểm soát một công ty con, cổ phần của cổ đông mẹ và cổ đông không kiểm soát đều được trình bày là vốn chủ sở hữu trên BCTC hợp nhất. Nếu 2 đối tượng này chuyển nhượng vốn cho nhau thì trên BCTC hợp nhất giao dịch này có bản chất là giao dịch giữa các cổ đông nội bộ chứ không phải là giao dịch kinh doanh nên nếu có chênh lệch giữa số tiền thanh toán giữa các bên so với phần vốn được chuyển nhượng thì phải ghi nhận vào vốn chủ sở hữu chứ không phải hoạt động kinh doanh thông thường. Tựu chung lại báo cáo tài chính hợp nhất của KDC trong năm 2017 sẽ không ghi nhận lợi nhuận nào từ đợt thoái vốn và niêm yết KDF, nếu ai có thời gian thì lục lại vụ CII và LGC vào năm 2015 sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này.


KDC tăng vốn 2 lần thông qua KDF

Một câu hỏi hóc búa và thú vị được lan truyền trên thị trường sau hội thảo của KDF đó là: "KDC niêm yết trên sàn vốn hóa đã bao gồm KDF-Kem Kido, giờ cho công ty con KDF lên sàn huy động vốn lần 2; như vậy có xem là cùng 1 tài sản mà huy động vốn 2 lần không ? Vì vốn hóa KDC đã gồm KDF trong đó; tương tự HAG-HNG".

Câu hỏi này ban đầu làm tôi hơi chột dạ, nghĩ thì nó đơn giản nhưng để giải thích rõ ràng thì không dễ, ai nghĩ ra câu hỏi đúng là sáng tạo không thua kém gì người đã nghĩ ra "case đầu tư" thú vị ở phía trên. Chúng ta cần lưu ý một chút khi suy nghĩ tình huống này, khi tính vốn hóa của KDC, người ta lấy giá thị trường của KDC nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành, thực tế số lượng cổ phiếu đang lưu hành của KDC ghi trên báo cáo tài chính hơp nhất không tính đến cố cổ phần của KDF mà KDC không sở hữu, tức là không tính đến số cổ phần được nắm giữ bởi các cổ đông thiểu số (cái này xem trên cái báo cáo tài chính hợp nhất, phần vốn chủ sở hữu là thấy lợi ích cổ đông thiểu số, cái đó chính là giá trị sổ sách của số cổ phần KDF mà các cổ đông khác ngoài KDC nắm giữ, con số này hiện tại khá nhỏ vì KDC đang cầm 99.8% của KDF). 

Quay trở lại câu hỏi, vậy điều gì xảy ra nếu KDC phát hành cổ phần và niêm yết cổ phiếu của KDF trên sàn (Dự kiến sau khi phát hành thêm KDC nắm giữ 65% cổ phần của KDF). Lúc này số lượng cổ phiếu đang lưu hành của KDC không thay đổi (vì số cổ phần của KDC tại KDF không thay đổi), giá thị trường của KDC cũng không thay đổi, chính vì thế vốn hóa của KDC hiển nhiên không thay đổi. Vốn hóa của KDF sẽ tăng lên, tuy nhiên KDC không hưởng lợi trực tiếp từ cái này mà hưởng lợi gián tiếp. Vậy KDC được hưởng lợi gián tiếp cái gì, câu trả lời là KDC được hưởng lợi gián tiếp ở sự tăng lên của phần “lợi nhuận giữ lại hoặc thặng dư vốn cổ phần” của KDF tùy theo phương thức hoạch toán khi hợp nhất báo cáo tài chính, chính sự tăng lên 2 phần này sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu của KDC. Túm lại thì việc KDF tăng vốn và niêm yết, không thể nói là cùng 1 tài sản mà tăng vốn 2 lần, vì thực tế trên báo cáo tài chính hợp nhất vẫn tách quyền sở hữu của KDC và các cổ đông khác tại KDF.

2 hiểu lầm trên chỉ là 2 hiểu lầm cơ bản trong hàng tá hiểu lầm chết người đang tràn ngập trên thị trường vì sự thiếu hiểu biết. Việc không hiểu báo cáo tài chính là điều khá nguy hiểm trong quá trình đầu tư, điều đáng nói là số người đọc hiểu báo cáo tài chính mới chỉ chiếm một phần rất rất nhỏ trong số đông những nhà đầu tư ngoài kia. Câu nói của Buffet vẫn thoáng qua đâu đây "Chúng ta chỉ thực sự biết ai không mặc quần khi thủy chiều rút"....................... Hãy cố gắng mua 1 chiếc quần!
KINH ĐÔ VÀ KINH ĐÔ FOOD - 2 HIỂU LẦM "CHẾT NGƯỜI" Reviewed by Trần Ngọc Báu on 01:36 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Powered By Blogger, Customized by Dung Luong

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Hãy để ABS hỗ trợ bạn