GTT – PHÁT HÀNH LẠI VÀ KIỂM TOÁN ĐÃ LÀM ĐÚNG?
Gỗ Thuận Thảo – GTT vừa qua sau khi công bố báo cáo kiểm toán năm 2015 vào tháng 2/2016 đã phải phát hành lại báo cáo kiểm toán của năm 2015 do GTT bị cảnh báo có khả năng huỷ niêm yết do báo cáo phát hành trước có ý kiến ngoại trừ về khoản phải thu và lãi phải thu đối với một công ty có liên quan. Báo cáo mới đã được phát hành ngày 19/4/2016 với ý kiến không ngoại trừ nhưng nhấn mạnh về tình hình kinh doanh.
Xét lại câu chuyện về khoản “đầu tư” và lãi phải thu đối với công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn với số dư là 400 tỷ đồng và nợ lãi là 52 tỷ đồng.
Câu chuyện được bắt đầu từ năm Quý 2 năm 2011, khi đó trên báo cáo tài chính của GTT xuất hiện khoản phải thu của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn với số dư là 108 tỷ đồng và chưa có chuyện gì xảy ra. Khoản phải thu này lớn dần qua năm tháng và đến hết năm 2012, con số phải thu đã là 407 tỷ đồng. Không rõ trong thời kỳ này, khoản phải thu đó đã thu hồi được gì chưa và kỳ hạn thu hồi là như thế nào, tuy nhiên không có một thông tin xấu nào đến với GTT trong thời kỳ từ 2011 đến hết năm 2012.
Dường như GTT đã cảm nhận được chuyện gì đó sẽ xảy ra đối với bên có liên quan của mình về khả năng thu hồi của khoản tiền này, và vào ngày 29/03/2013, GTT đã ký một hợp đồng cho vay ngắn hạn với TT Nam Sài Gòn với số tiền 400 tỷ đồng và thời hạn vay là 12 tháng. Ngày hợp đồng cũng chính là ngày ký báo cáo kiểm toán năm 2012 và vậy là không có nợ quá hạn và số dư đó đã được xử lý đẹp, ít nhất là trong báo cáo kiểm toán của năm 2013.
Và giá của GTT trên sàn chứng khoán phi mã từ 4.000 đồng/cổ phiếu lên tới 14.000 đồng/cổ phiếu trong chưa đầy 3 tháng từ 11/2012.
Tuy nhiên, khi năm 2013 được kiểm toán, công ty kiểm toán mới xuất hiện, và ý kiến nhấn mạnh được đưa ra về khoản cho vay đó, không phải là về việc có khả năng thu hồi hay không, nhưng lại là việc khoản vay và nợ lãi vay đó lại quá lớn so với vốn góp thực tế của công ty đi vay. GTT sẵn sàng cho người quen vay 400 tỷ đồng và nợ lãi 57 tỷ đồng với một công ty có vốn góp chỉ là 22 tỷ đồng. Và như đoạn trên, cuối năm 2013, khoản vay của TT Nam Sài Gòn chưa đáo hạn, do vậy họ vẫn có khả năng thu hồi. Nhưng về mặt bản chất, các số dư này đã hình thành từ 2011 và đáng nhẽ nó đã quá hạn rất lâu rồi và ngạc nhiên là tại sao các báo cáo kiểm toán trước lại không nhấn mạnh việc cho vay quá nhiều cho một công ty vốn quá ít.
Không có gì xảy ra với GTT khi cổ phiếu của họ vẫn giữ ở mức giá cao và vươn lên mức gần 16.000 đồng/cổ phiểu, gần như cao nhất từ khi niêm yết vào tháng 1 năm 2014, khi mà báo cáo 2013 còn chưa phát hành.
Tháng 3 năm 2014, dường như ai đó biết được chuyện gì sẽ xảy ra với GTT, khối lượng cổ phiếu được giao dịch mạnh dần với khối lượng vài triệu cổ phiếu/ngày và giá cũng bắt đầu rơi mạnh và tháng 4-5/2014, cổ phiếu đã về đến mức đáy họ lập được vào năm 2012.
Câu chuyện tiếp tục đưa ta đến báo cáo soát xét bán niên 2014. Trong báo cáo được thuyết minh rất rõ ràng rằng ngày 23 tháng 12 năm 2013, GTT đã ký phụ lục gia hạn cho khoản vay có thời hạn từ 12 tháng lên 24 tháng và tính từ ngày 1/1/2013 đến 31/12/2014. Thật ngạc nhiên khi thông tin này không có trong báo cáo kiểm toán năm 2013 khi ngày ký phụ lục là 23/12/2013 và điều ngạc nhiên nữa rằng thời gian vay là từ 1/1/2013 trong khi hợp đồng vay được ký vào ngày 29/03/2013. Không rõ đây là lỗi đánh máy hay sao mà thời gian vay lại trước ngày ký hợp đồng vay? Vậy là họ chuyển phải thu sang hợp đồng vay để tránh bị quá hạn?
Dù gì đi chăng nữa, GTT sẽ tiếp tục sống với khoản này đến hết năm 2014. Khi hợp đồng vay đến hạn phải trả sau khi đã tái cấu trúc nhiều lần.
Báo cáo kiểm toán 2014, trong thuyết minh về khoản vay này, ban lãnh đạo công ty cho rằng công ty TT Nam Sài Gòn có dự án tiềm năng và không phải lo về việc thu hồi nợ vay cũng như lãi vay của GTT. Thêm nữa, trong báo cáo này, công ty đã có những dấu hiệu về việc không thể hoạt động liên tục được tuy nhiên Ban Lãnh đạo vẫn khẳng định rằng năm 2015 công ty sẽ cải thiện và tiếp tục duy trì hoạt động bình thường. Và kiểm toán chỉ nhấn mạnh về sự khẳng định này trong báo cáo của mình.
Báo cáo bán niên 2015 thật ngắn gọn và ở đó kiểm toán nói rằng chúng tôi không thấy sự kiện nào để chúng tôi cho rằng báo cáo tài chính không phản ánh trung thực và hợp lý trên khía cạnh trọng yếu. Tuy nhiên khoản vay kia đã quá hạn 6 tháng và không có dự phòng được lập. Vẫn câu nói quen thuộc khi không lo lắng về khả năng thu hồi.
Và đương nhiên cái gì đến cũng cần phải đến, báo cáo lần 1 được đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản cho vay này và khuyến nghị lập dự phòng 70% gốc và lãi vay. Doanh nghiệp không chịu và kiểm toán ngoại trừ. Nhưng điều ngạc nhiên ở đây là sao lại là 70% khi Thông tư 228 quy định 70% chỉ áp dụng khi quá hạn từ 2 đến 3 năm trong khi theo như lịch trả nợ được điều chỉnh thì đến 31/12/2015 họ chỉ quá hạn có 1 năm. Có sự nhầm lẫn nào ở đây chăng? Còn nếu đúng, số dư này hình thành từ 2011 và đáng nhẽ phải lập 100% mới phù hợp.
Với kiểm toán, bản chất luôn phải được đề cao hơn hình thức, và với GTT, người chịu trận không chỉ là các cổ đông của họ, mà các ngân hàng cho họ vay vốn trong đó BID là chủ nợ lớn nhất với dư nợ tại 31/12/2015 là 625 tỷ đồng sẽ rất đau đầu và đang phải tìm cách thu hồi các khoản nợ này.
Lê Quang Hải – Kiểm toán PRO
GTT – PHÁT HÀNH LẠI VÀ KIỂM TOÁN ĐÃ LÀM ĐÚNG?
Reviewed by Le Dang Trung Hieu
on
06:45
Rating:

Post Comment
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét